Bài 1: Thầy tôi Ngô Xuân Bính

Đánh giá về thơ của Nhà thơ Ngô Xuân Bính, tác giả Hà Thị Hạnh đã có những bài viết chuyên sâu đánh giá cái nhìn của một người làm nghề với nhiều góc cạnh. Xin được trích đăng các bài viết của tác giả.

Tôi nhớ một anh bạn có lần hài hước nhận xét rằng vợ anh ấy “đã bỏ qua lý luận tiến thẳng tới phê bình”. Lại nhớ các con tôi học môn văn ở trường phổ thông rất ít (hoặc gần như khồng hề) đọc các tác phẩm văn học mà nghị luận cứ chan chát, theo lời sách viết hoặc lời thầy cô đọc cho, dường như trường phổ thông của ta đã chuẩn bị nền tảng cho việc đào tạo thành công một đường lối phê bình mới – không phụ thuộc và văn bản.

Tôi cũng nhớ lại cuộc trao đổi gần đây giữa chú Ngô Thảo, ông Trần Đình Ân…trên báo điện tử Tổ quốc về “phê bình truyền thông” và “phê bình hàn lâm”, mà tôi không hiểu do đâu lại có hai khái niệm này mặc dù cũng mang máng hiểu cái thứ nhất là một thứ gì đại loại “lá cải” hơn cái thứ hai (cũng do một quan niệm tương đối “lá cải” rằng : (cứ cái gì hàn lâm là ở trên ngọn (hay là dưới gốc?!) của cái bình dân học vụ kia)

Trong ngữ cảnh ấy tôi bèn (hay đành lòng) đặt đầu đề cho bài viết này là : Phê bình và cảm thụ, mặc dù đứng trước một tác phẩm, ý nghĩ ban sơ của tôi chỉ là : đọc nó.

Nhà thơ Ngô Xuân Bính

Cũng như với các tập thơ trước của Thầy Ngô Xuân Bính, tôi đã “đọc đi đọc lại” không biết bao nhiêu lần, riêng việc ta có thể “đọc đi đọc lại” một tác phẩm nhiều lần đã nói lên điều gì đó rồi…Riêng tôi gần đây chỉ có thể “đọc đi đọc lại” Mạc Ngôn, văn của ông ấy là cái nhìn Phật pháp trong lòng thế gian, quả là “Phật pháp bất li thế gian giác”, Mạc Ngôn đứng trong thế giới này, dùng “pháp nhãn” mà quan sát thế giới này trong khi Cao Hành Kiện, cũng đạt độ “pháp nhãn” ấy, lại đứng ở ngưỡng cửa của hai thế giới…(phải chăng cũng vì một người ở độ tuổi ngoài 40 còn một người đã ngoài thất thập – so với tuổi “tri thiên mệnh” của các cụ thì có thể nói cũng đã đi sớm vài năm…Nói tất cả những điều này để làm gì? Để bạn đọc sách này, là độc giả hay đồng thời là nhà phê bình, không quên vị trí của mình, của tác giả, của tác phẩm…trong một tương tác không gian thời gian xác định). Trong khi “thưởng thức tác phẩm và “nghiên cứu” tác giả tôi thậm chí còn không quên lời chú Văn Đắc (Thanh Hóa): “vì đó là Thầy của ngươi mà”.

Vâng, Thầy Ngô Xuân Bính là Thầy tôi.

Tôi đã đọc ngày, đọc đêm…, đọc giữa thành phố ồn ào, đọc nơi bãi biển hoang vắng…cốt ý tìm ra cho bằng được một vài lời, ngõ hầu nêu bật được xúc cảm – cảm thụ của mình. Quyết tâm này được vũ trang bằng lời của một triết gia cổ đại mà tôi yêu thích nhất :

“Người ta gọi vàng là vàng, bởi vì trong nó có rất nhiều vàng, chứ thực ra trong nó còn có rất nhiều thứ khác nữa”.

Đọc văn của Thầy Bính, chưa đi vào phân tích, gấp sách lại ở bất kỳ trang nào, mở sách ra ở bất kỳ trang nào…đều nhận cảm được một thực thể sống ngồn ngộn: đó là việc bồn bề, những chuyến đi, kỳ nghỉ xen kẽ…cảnh quê hương đất nước nơi ông qua, những con người ông gặp, những xứ sở lạ… chuyện ăn-mặc-ở, cái gì-ở đâu-như thế nào? Tâm tư chồng chất, giãi bày và trăn trở, tình yêu và lòng cảm thông…của người trong cuộc! Nhận cảm về cuộc sống qua tác phẩm khiến tôi liên tưởng tới Mạc Ngôn; Thiền sư OSHO, YOKO JORBA – Con người hoan lạc…, gợi nhớ thế giới cổ sơ hồn hậu của các vị thần.

Sự cảm nhận ấy cho ta một niềm hung phấn kỳ lạ. Giống như Nghiêm Tân (nhà khí công lỗi lạc của Trung Hoa) đã từng nói rằng đừng cố để ý xem tôi nói gì, các bạn có thể trực tiếp cảm nhận được điều tôi nói. Mặc dù đây là bài viết thiên về hướng lý luận – phê bình, nhưng như tôi đã đặt tên “Phê bình và cảm thụ” có nghĩa là tôi đánh giá vai trò dẫn đường của cảm thụ và sẽ cố gắng dùng lý luận phê bình trong khả năng học vấn của mình để định giá nó (cảm xúc thẩm mỹ – nhận thức – tâm lý) – như cách mà một đứa trẻ thường làm: tại sao? Như thế nào? “Sao không thế này mà lại là thế kia(lời bài hát) với tập “Cánh đồng tiềm thức” tôi đã trăn trở không biết bao nhiêu ngày, và bỗng nhiên một hôm thốt lên rằng: “Đây đâu chỉ là Thơ, đây là một cuốn  Kinh, là Đạo… là con đường đi, ngập tràn mồ hôi và nước mắt của một con người”.

Tôi đã viết cho một người bạn: “Đây là điều em muốn nói với anh: anh hãy đọc, hãy chiêm ngưỡng đời sống vĩ đại của một con người”. Sau đó tôi đọc lại và gạch chữ “một” đi, vô cũng thương tiếc thay “một con người” bằng “con người”… Và tôi cảm thấy ập đến một nỗi buồn mênh mông có tính chất “thân phận”, thấy sự bất lực của ngòi bút khi nó phụ thuộc và hoàn cảnh phát ngôn, và khi bình tĩnh trở lại tôi mới thấy vị trí của người làm phê bình so với người sáng tác.

Phải quy phạm mà không khô khan. Có thể rực cháy mà không thể thiêu rụi. Ấy là ngọn lửa hoàn nguyên cần được thắp sáng trong mỗi người làm phê bình. Người làm phê bình đi trước người làm sáng tác, hay là đi sau? “Quả trứng có trước hay là con gà có trước”, tôi chỉ biết một sự thật là từ khi có câu hỏi ấy thì bỗng dưng nhân loại lại đổ xô vào cãi nhau. Mọi nền phê bình lí luận đều không bàn chuyện gì khác ngoài quan hệ tác giả (lí tính và cảm tính) – tác phẩm (hiện thực và hiện thực được phản ánh) – độc giả (thực tế và ngầm định) – hoàn cảnh phát ngôn (ngữ cảnh trong văn bản và ngoài văn bản).

Từ khi ông Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam đến nay đã lâu rồi, sách dịch đã nhiều lên gấp nhiều lần, độc giả Việt Nam (trong đó là cả những người sáng tác – các tác giả tương lai) nếm trải, luyện tập với nhiều kiểu tâm thức khác, và bởi lẽ điều là con người nên đều có sự thông cảm tương đồng, đều có khả năng tiếp nhận…nên lẽ tất yếu là “hiện thực khách quan” giờ đây được tiếp cận theo nhiều chiều khác nhau. Các cuộc tranh luận trong phê bình lí luận giờ đây chỉ bộc lộc chính mâu thuẫn nội tại của giới phê bình vì đã quy phạm mỹ học tiếp nhận vào một cái khung quá hẹp (“hạn định sáng tác quái gở/”Rãnh ngăn cảm hứng bê bết của giả/”…Được mảnh đất hồn nhiên quý giá vô ngần”/…”Hạc trắng coi ngọn cờ quan trọng”(Ngọn cờ – Kính tặng thầy Nguyễn Quân) – Đó là một số phát biểu của tác giả Ngô Xuân Bính liên quan đến quan niệm sáng tác).

Vấn đề là “quả trứng nào?” “con gà nào?” mà thôi. Ai cũng có quyền phát biểu – chắc cái ấy gọi là “phê bình truyền thông” chăng? Chưa từng thấy một nhà “hàn lâm” nào lên tiếng kêu ca rằng tác giả này quá khó hiểu vì tôi chưa từng học qua cách tiếp nhận này!!! Mà chỉ thấy họ nêu ra hàng loạt khó khăn trong việc tìm hiểu văn bản, đều là những cái khó khăn tôi cũng thấy trong khi đọc tác phẩm của Thầy Bính.

Cái gọi là “phê bình truyền thông” theo tôi về thực chất chỉ nêu lên được phần cảm thụ mang tính chủ quan của độc giả Nhà phê bình trước tiên là một độc giả, anh ta có linh cảm, có thể lập tức nhận ra “ở đây có một cái gì đó”, vì đã giàu kinh nghiệm với những tiếp nhận khác nhau, được trang bị học vấn trong các lĩnh vực có liên quan (lịch sử, triết học, tâm lí…) anh ta tham gia vào quá trình phát hiện. Văn học nghệ thuật Phương Đông lại có đặc thù tạo ra sự tham gia này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *