Giáo sư Ngô Xuân Bính – “Làm thơ thuận theo cảm xúc”

Ngày 24/1/2015, đêm thơ nhạc “Ân khúc-Giao hòa” của Võ sư, viện sĩ Ngô Xuân Bính tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Sự trăn trở, độ nén của tình yêu hướng, đất nước, văn hóa truyền thống đầy ắp cả 7 tập thơ lên tới hàng nghìn bài của ông đã là điều đáng để chúng ta nể phục về cảm hứng thi ca. Từ con tôm, con tép đến những vấn đề thời đại đều biến thành thơ qua sự chiêm nghiệm của Ngô Xuân Bính. Tính tư tưởng và triết lý nhân sinh ấy khi giao hòa với nhạc điệu và cảm hứng của người nhạc sỹ đã được chắp cánh thành nhạc phẩm.

Cuộc trò chuyện với ông sẽ đưa đến những thú vị về võ sư, viện sĩ yêu làm thơ này.

GS Ngô Xuân Bính (trái) và GS-AHLĐ Vũ Khiêu

PV- Một chút quan niệm về thơ của ông?

GS Ngô Xuân Bính – Tôi từng học hội họa, vì vậy, tôi đến với thơ hết sức tự nhiên. Tuy nhiên để đến với thơ trọn vẹn như bây giờ là cả một quá trình dài. Tôi không gọi là quan niệm vì nghe nặng nề. Thơ với tôi là sự bộc bạch, trải lòng về chiêm nghiệm hay những điều chắt lọc ra từ cuộc sống.

PV- Ông vừa nói đó là một quá trình dài?

GS Ngô Xuân Bính – Tôi làm thơ từ thời còn là học sinh, nhưng tôi thực sự làm thơ khi cuộc sống có sự dữ dội, đó vào thời điểm tôi bắt đầu sáng lập Nhất Nam, những nghiên cứu, ứng dụng của tôi về y học phương Đông. Tóm lại, có cả sự cảm thụ, dồn nén về tâm hồn để đưa mình ngồi vào trang giấy.

PV- Trong suy nghĩ của nhiều người, nhà thơ là những người “yếu yếu” kiểu như Xuân Diệu, Nguyễn Bính… Ông là một võ sư, muốn chứng tỏ là không phải thế ?

GS Ngô Xuân Bính – (Cười). Tôi thấy Nguyễn Bính, Xuân Diệu lại rất khỏe là khác. Không khỏe làm sao Nguyễn Bính đi được dọc Việt Nam, chiến đấu ở Nam Bộ và sáng tác cả ngàn bài thơ. Trở lại ý của anh. Với tôi, tận cùng của võ là văn.

Ví dụ thế này, trước khi học võ, môn sinh phải học đứng tấn. Tôi không nói đến chuyên môn về võ thuật mà muốn nhấn mạnh đến sự nhẫn nại, bền bỉ của con người ngay ở bài học đầu tiên. Người học võ chân chính đều thấm nhuần tinh thần này. Cũng vì thế mà học võ là để rèn ý chí. Ý chí có thể hiểu là sự bền bỉ, kiên gan, tinh thần không ngục ngã, sự độ lượng hay lòng cao cả…Và đấy, hẳn nhiên nó là văn.

Cái Văn này trong cuộc sống thì mỗi người có sự thẩm thấu riêng nhưng với dân võ thuật thì nó là cả một sự đấu tranh của chính mình. Nói dễ hiểu, với những người mới học võ, để tránh việc “động binh” là cả một vấn đề.

Thậm chí nhiều người phải trá giá vì chưa thẩm hết được cái văn của võ.  Sau thời gian mới thấy học võ như học chuyện Nhân Tình cuộc đời. Sự nhẫn nại, khiêm nhường, vị tha là chủ đạo trong tinh thần rất cương cứng. Hay nói như phương Đông là trong cương có nhu. Võ học càng tinh thông thì chất “nhu” càng nhiều.

PV- Và thơ của ông là những trải lòng, xúc cảm từ điều đó?

GS Ngô Xuân Bính – Tôi không chỉ là người tập võ mà còn là người làm nghề thuốc, chữa bệnh bằng phương pháp y học truyền thống. Thơ của tôi được nhìn bằng nhân sinh quan chân thành, yêu chân thành qua những trải nghiệm của cuộc sống

PV- Vì thế có nhiều bài khó đọc?

GS Ngô Xuân Bính – “Những ngọn gió Hua-tát” của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ cũng khó đọc. Điều này thuộc về cảm nhận mỗi người. Tôi không cố tình làm cho nó khó đọc, tôi chỉ viết theo cái “tông” nào mà tôi thấy thuận với cảm xúc của mình nhất.

PV- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đêm nhạc “Ân khúc – Giao hòa” diễn ra tối 24/1/2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hội tụ các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu làng nhạc Việt như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương… thể hiện những tác phẩm âm nhạc do 10 nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Đức Trịnh, Nguyễn Huy Thông, Phú Quang, Nguyễn Quang Vinh, Trần Phú Cử, Nguyễn Xuân Phương, Tào Tuấn Phương… Phổ nhạc trên lời thơ GS Ngô Xuân Bính gồm các bài: Đêm thanh lắng, Huế một lần gặp, Nỗi nhớ quê, Nếp hương, Mùa thu vàng lao xao, Thả thuyền bến Mơ, Hà Nội trong tôi, Tượng nhà mồ, Tháp Chàm, Trầu cau, Nợ, Lão xẩm, Đất quê…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *