Đêm nhạc vinh danh nhà thơ Ngô Xuân Bính

Các tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Cường, Phú Quang… được phổ từ thơ Ngô Xuân Bính sẽ được biểu diễn trong chương trình tại thủ đô.

Đêm nhạc Ân khúc – Giao hòa được tổ chức tối 24/1 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội nhằm vinh danh những ca khúc nổi tiếng được phổ từ thơ của giáo sư Ngô Xuân Bính. Chương trình bao gồm các sáng tác của 10 nhạc sĩ: Nguyễn Cường, Phú Quang, Huy Thông, Xuân Phương, Đức Trịnh, Phú Cử, Trọng Tuấn, Tuấn Phương, Kim Quang, Quang Vinh.

Là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu đáng giá, đứng đầu môn phái võ thuật dân tộc mang tên Nhất Nam, giáo sư Ngô Xuân Bính còn có một niềm đam mê lớn với thi ca. Ông từng cho xuất bản 7 tập thơ với hàng nghìn tác phẩm. Trong đó, không ít bài thơ đã truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành nhạc như Chợ quê, Hà Nội trong tôi, Thả thuyền bến Mơ, Huế một lần gặp, Tháp Chàm, Nếp nương hay Nỗi nhớ quê.

Nhạc sĩ Huy Thông tâm sự: “Thơ của Ngô Xuân Bính không dễ đọc và không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Chúng có sẵn tính nhạc và đầy sự chiêm nghiệm. Đó là sự dồn nén của tình yêu dành cho đất nước, cho văn hóa truyền thống dân tộc. Các bài thơ của ông đầy ắp hơi thở cuộc sống, từ những thứ giản dị như con tôm, con còng đến các vấn đề lớn của thời cuộc”.

Giáo sư Ngô Xuân Bính ngoài nghiên cứu khoa học, luyện võ còn có một niềm đam mê lớn với thi ca

Chương trình sẽ được chia thành hai phần là “Ân khúc” và “Giao hòa”. Phần “Ân khúc” là những bài hát tỏ lòng biết ơn của các tác giả đến những gì thiêng liêng nhất về đất nước, con người Việt Nam. Trong khi đó, phần “Giao hòa” nói về trách nhiệm của những người con đất Việt đối với quê hương. Các nghệ sĩ tham gia gồm Trọng Tấn, Anh Thơ, Tùng Dương, Lê Anh Dũng…

Giáo sư Ngô Xuân Bính sinh ngày 17/1/1957 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Ông từng là giảng viên Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung ương (nay là Đại học Nghệ thuật Trung ương) từ 1980-1990. 14 năm sau đó, ông là chuyên gia võ thuật và y tế tại các nước Liên Xô cũ. Vào tháng 7/2011, giáo sư Ngô Xuân Bính được Hội đồng khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên châu Âu trao học hàm Viện sĩ vì những đóng góp lớn cho nền y học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *